Dạy con tự chăm sóc sức khỏe theo phương pháp giáo dục Montessori

Dạy con tự chăm sóc sức khỏe

Dạy con tự chăm sóc sức khỏe theo phương pháp giáo dục Montessori, cha mẹ phải kiên nhẫn và mất nhiều thời gian đợi con 2 tuổi đi giày – nhưng đây là khoản đầu tư giá trị.

Phương pháp Montessori được xem là triết lý giáo dục dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Italy, Maria Montessori (1870-1952).

Hiểu đơn giản, đó là cách giúp trẻ phát triển theo khả năng riêng. Dưới đây là một vài hướng dẫn trong lớp học Montessori để khuyến khích trẻ học cách chăm sóc sức khỏe.

1. Tạo điều kiện

Nếu muốn con tự chăm sóc bản thân, các vật dụng cần thiết phải được đặt trong tầm với của con.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn con tự xì mũi, hãy đặt hộp giấy trong phòng ngủ của con hoặc ở những chỗ thấp. Trước khi dạy chăm sóc bản thân, trẻ nên học cách phân biệt các vật dụng dùng khi nào và có thể dễ dàng với tới.

2. Kiên nhẫn

Một trong những lý do phụ huynh thường làm hộ con mọi việc vì nhanh hơn rất nhiều việc các bé tự thực hiện. Bạn có thể cần kiên nhẫn và mất nhiều thời gian đợi một đứa trẻ 2 tuổi đi giày nhưng đây là khoản đầu tư giá trị.

Vì vậy, khi thấy con muốn tự thực hiện những công việc của mình, phụ huynh hãy kiên nhẫn quan sát, thỉnh thoảng cho trẻ một số gợi ý. Các em sẽ ghi nhớ cách thực hiện và độc lập hơn trong tương lai.

3. Nhắc nhở con khi cần thiết

Việc phụ huynh thường xuyên nhắc nhở chăm sóc sức khỏe có thể không lọt vào tai con trẻ. Thay vì vậy, hãy chỉ nhắc nhở vào đúng thời điểm cần thiết để trẻ ghi nhớ lâu hơn và hiểu phải làm gì trong trường hợp tương tự.

Ví dụ, khi chân tay dính đầy bụi bẩn nhưng trẻ muốn ngồi vào bàn ăn, hãy nhắc nhở: “Bố/mẹ thấy tay chân con đang bẩn. Con cần rửa sạch tay chân bằng xà phòng trước khi ăn. Vậy con nhớ xà phòng ở đâu không?”.

4. Những thói quen tự chăm sóc sức khỏe dành cho trẻ nhỏ

Dạy con tự chăm sóc: Xì mũi

Ngay từ nhỏ, trẻ có thể học cách tự xì mũi. Phụ huynh hãy đặt trong phòng trẻ hoặc ở quanh nhà những hộp giấy ăn nhỏ và túi rác để trẻ biết cần vứt giấy bẩn sau khi dùng.

Nhiều đứa bé nghịch ngợm thích lôi hết giấy trong hộp ra ngoài trời nên cha mẹ chỉ nên đặt 2-3 tờ giấy trong mỗi hộp để tránh lãng phí.

Đầu tiên, hướng dẫn con xử lý từng bên mũi, tránh xì mạnh cả hai bên cùng lúc có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ và gây ra tình trạng chảy máu cam. Sau khi đã hoàn thành, dùng một tờ giấy khác lau sạch khuôn mặt và rửa sạch tay.

Dạy con tự chăm sóc: Rửa tay

Cha mẹ cần dạy con rửa tay từ rất sớm, dù có thể bé chưa với tới bồn rửa mặt. Trước khi trẻ ngồi vào bàn ăn hoặc sau khi nghịch bẩn, hãy chuẩn bị chậu nước nhỏ hoặc ghế nhỏ có thể với tới bồn rửa tay.

Để rửa tay đúng cách, đầu tiên các bé phải làm ướt hai bàn tay bằng nước, lấy xà phòng và chà hai bàn tay vào nhau.

Tiếp theo, chà hai lòng bàn tay với nhau, miết mạnh các ngón tay vào kẽ ngón tay rồi chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại. Sau đó, chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia rồi rửa sạch dưới vòi nước chảy từ cổ tay xuống ngón tay và làm khô tay.

Đối với các bé lớn, cha mẹ có thể biến hoạt động này trở nên thú vị hơn bằng cách sử dụng kem dưỡng da tay hoặc bàn chải vệ sinh móng tay hướng dẫn dạy con tự chăm sóc.

Dạy con tự chăm sóc: Thay quần áo

Nếu muốn trẻ học cách tự thay quần áo, cha mẹ nên lựa chọn những bộ đồ đơn giản, dễ dàng thay ra thay vào và tránh những món phụ kiện hoặc quần áo khó cởi như áo liền quần, thắt lưng, nơ buộc.

Ngoài quần áo, đừng quên dạy con cách đi giày, đeo khăn quàng cổ, khăn tay, tất chân hoặc phụ kiện đi kèm.

Bên cạnh việc học thay quần áo, lựa chọn quần áo phù hợp với thời tiết cũng là kỹ năng quan trọng trẻ nên học.

Ví dụ, khi trời nắng nóng, bạn hãy hướng dẫn con chọn quần áo thoáng mát và bôi kem chống nắng. Khi ra ngoài đường trời lạnh, con không thể quên áo khoác hoặc khăn quàng cổ.

Dạy con tự chăm sóc: Đánh răng

Dạy con tự chăm sóc răng miệng – đánh răng nên được thực hiện khi trẻ đã mọc những chiếc răng đầu tiên, không cần đợi đến khi mọc đủ hàm. Thời điểm này, trẻ chưa cần thiết phải sử dụng kem đánh răng và nên dùng bàn chải đầu tròn, lông mềm để bảo vệ nướu.

Khi trẻ 2-3 tuổi, phụ huynh có thể cho con sử dụng kem đánh răng không chứa flour vì có thể làm răng các em giòn, dễ gãy.

Duy trì hoạt động đánh răng đến khi trẻ 3 tuổi có thể giúp hình thành thói quen vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi dậy.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Dạy con tự chăm sóc: Uống nước

Uống nước thường không được cha mẹ quan tâm nhưng cần hình thành thói quen để mỗi ngày cơ thể tiếp nhận đủ lượng nước cần thiết.

Hãy đặt những bình nước ở quanh nhà, trong phạm vi trẻ có thể với tới. Nếu bình nước thông thường quá nặng hoặc quá đầy, cha mẹ có thể chuẩn bị cho con những chiếc bình riêng, nhỏ nhắn hơn với họa tiết bắt mắt để thu hút trẻ.

Quanh khay đựng nước, bạn có thể đặt thêm giẻ lau để nhắc nhở trẻ dọn dẹp nếu làm đổ nước ra ngoài.

Dạy con tự chăm sóc: Chuẩn bị thức ăn

Trẻ em thường thích tự chuẩn bị hoặc tham gia quá trình nấu ăn cùng cha mẹ. Thay vì bảo con “ra chỗ khác chơi cho bố/mẹ nấu cơm”, bạn có thể rủ con cùng vào bếp chuẩn bị bữa ăn. Hãy tranh thủ thời gian này để nói về lợi ích của những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, tác hại của thức ăn không tốt.

Nếu trẻ lớn, bạn có thể nhờ nhặt ra, gọt vỏ củ, quả hoặc lên thực đơn cho cơm trưa mang đi học hoặc bữa cơm gia đình. Trẻ thường thích ăn thực phẩm chiên rán nên có thể sẽ chỉ đề xuất toàn món ăn này. Thay vì gạt bỏ ý kiến của con, hãy khen ngợi chúng kèm theo một số lời khuyên giúp bữa ăn lành mạnh hơn. Chẳng hạn: “Con thật là sáng tạo. Tuy nhiên mẹ nghĩ là ăn nhiều gà rán sẽ bị đầy bụng nên chúng ta sẽ ăn gà rán kèm thêm thật nhiều rau và hoa quả nhé”.

Dạy con tự chăm sóc: Sơ cứu

Những trường hợp trẻ không bị thương nặng, cha mẹ có thể dạy con cách tự sơ cứu như những vết trầy xước, vết đứt tay nhỏ.

Hãy chuẩn bị khay y tế nhỏ dành riêng cho trẻ và đặt ở khu vực có thể lấy được khi bạn không có mặt.

Hướng dẫn con cách làm sạch vết thương, cách đeo băng dán cá nhân đúng cách hoặc cách xoa dầu cho các vết tím.

Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể dạy con tự chăm sóc bằng các biện pháp sơ cứu khẩn cấp như phương pháp Heimlich giúp người mắc nghẹn, cầm máu, băng bó tạm thời cho người gãy chân.

Kem dưỡng da và kem chống nắng

Kem dưỡng da và kem chống nắng không phải để làm đẹp và chỉ dành cho con gái mà là những vật phẩm rất có ích trong việc bảo vệ làn da, đặc biệt khi trẻ nô đùa thường xuyên dưới trời nắng.

Bạn có thể mua cho con những lọ kem dưỡng da, kem chống nắng cỡ nhỏ. Hãy chỉ cho con cách lấy một lượng vừa đủ mỗi lần sử dụng, cách thoa kem, thời gian nên sử dụng và đừng quên nhắc nhở mang theo mỗi khi đi xa.

Tú Anh/vnexpress.net (Theo Motherly)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Social Media

Bài viết

Xem thêm
Khóa học khác: