6 phương pháp dạy trẻ chăm chỉ được bà mẹ Mỹ chia sẻ

Phương pháp dạy trẻ thành công

Mỗi người, mỗi gia đình có phương pháp dạy trẻ riêng và một bà mẹ Mỹ thì dạy con: Khi con ghi được bàn thắng, bạn hãy nói với con rằng điều đó không phải ngẫu nhiên mà đến từ sự luyện tập không ngừng, nghe lời huấn luyện viên…

Chị Laurel Niedospial (Chicago, Mỹ) đưa ra lời khuyên cho phụ huynh có con nhỏ trên Popsugar.

Là giáo viên, tôi tin rằng niềm đam mê có thể giúp trẻ vượt qua công việc khó khăn, nhưng đức tính chăm chỉ còn có thể làm được nhiều hơn thế.

Đã là cha mẹ, hầu như ai cũng muốn nhìn thấy con đạt được thành công, nhưng làm thế nào để con có thể làm được điều đó? Nó đến từ sự chăm chỉ.

Một đứa trẻ chăm chỉ, cần cù đã có công cụ “cần” để giúp chúng đạt được thành công.

Một đứa trẻ chăm chỉ sẽ hiểu rằng mọi điều trong cuộc sống đều không dễ dàng có được và làm thế nào để đạt được điều đó.

Thú thật tôi muốn dạy một lớp học toàn những học sinh chăm chỉ hơn những thiên tài.

Ai cũng có thể tiếp nhận tri thức nhưng không phải ai cũng bền bỉ trau dồi và rèn luyện.

Để nuôi dạy con thành người chăm chỉ, tôi phải liên tục áp dụng sáu phương pháp nuôi dạy trẻ dưới đây.

1. Xây dựng và khuyến khích ý chí kiên cường ở trẻ

Kiên cường là phẩm chất rất quan trọng đối với trẻ, giúp chúng hình thành thói quen không bao giờ chịu thất bại.

Rất nhiều học trò cũ của tôi coi thất bại là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời, nhưng khi chúng mắc lỗi, tôi lại động viên chúng thử lại.

Cứ như vậy, tôi đã rèn luyện cho học sinh và con cái sự kiên cường, không nản lòng, không xấu hổ trước thất bại.

Tôi luôn nhắc nhở chúng một phần của thành công đến từ thất bại và một phần của chăm chỉ đến từ hành động thử lại.

2. Chấp nhận rằng trẻ có cách làm việc khác với cha mẹ

Đây là điều quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất đối với cha mẹ tìm ra phương pháp nuôi dạy trẻ.

Khi cố gắng rèn luyện đức tính chăm chỉ cho trẻ, phụ huynh hãy để chúng khám phá và tự tìm ra những chiến lược riêng của mình.

Tôi thích học tập theo phương pháp ghi chú Cornell và tôi chỉ cho học sinh, con cái cách thực hiện, nhưng tôi không ép buộc chúng làm theo. Mỗi người cần tìm ra phương pháp riêng vì chỉ có như vậy, họ mới thoải mái làm việc.

Ảnh: ilslearningcorner

Ảnh: ilslearningcorner

3. Nhắc nhở trẻ về những khó khăn để đạt được thành công

Mọi phụ huynh đều cảm thấy tự hào, hãnh diện khi con cái đạt được thành công, nhưng đừng dành toàn bộ thời gian để ăn mừng chiến thắng.

Bên cạnh những câu chúc mừng, động viên, bạn hãy đan xen nhắc nhở trẻ ghi nhớ về những khó khăn chúng đã trải qua để tiến tới thành công.

Ví dụ, khi con bạn ghi được bàn thắng trong một trò chơi, hãy nói với trẻ rằng điều đó không phải ngẫu nhiên xảy ra mà đến từ sự luyện tập không ngừng, nghe lời huấn luyện viên và làm việc nhóm chăm chỉ.

Hãy luôn để trẻ thấy sự thành công đến từ nỗ lực rèn luyện và rèn luyện.

4. Để trẻ khám phá những thế giới khác nhau

Định nghĩa “làm việc chăm chỉ” giữa mọi người rất khác nhau. Học trò của tôi từng chia sẻ cảm thấy không hứng thú khi học về đại thi hào William Shakespeare.

Nếu tôi ép buộc bằng việc cho điểm thấp hay răn đe, chúng cũng không thể trở thành nhà văn, nhà thơ.

Để có thể làm việc chăm chỉ, người lớn hay trẻ nhỏ cũng vậy, đều phải tìm thấy niềm hứng thú, sự quan tâm trong các chủ đề và khía cạnh cuộc sống.

Bạn hãy bắt đầu dạy trẻ về sự chăm chỉ từ những hoạt động chúng yêu thích.

5. Đừng ngăn cản nỗ lực của trẻ

Con trai 3 tuổi của tôi rất thích giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, nhưng hoàn toàn không thành thạo công việc này.

Thay vì dọn dẹp, cháu có thể bày bừa nhiều hơn, làm hỏng nhiều đồ hơn.

Tuy nhiên, đối với tôi, đây không phải là vấn đề.

Tôi sẵn sàng bỏ thời gian gấp ba lần bình thường để dọn dẹp những tàn tích của con khi cố gắng giúp mẹ chứ không bao giờ ngăn cản nỗ lực của nó.

Hãy cứ để trẻ nỗ lực vì nỗ lực sẽ giúp trẻ rèn luyện đức tính chăm chỉ.

6. Trở thành tấm gương cho con cái

Trẻ em là những chú vẹt bắt chước theo người lớn từ tính cách đến phong cách sống.

Nếu bố mẹ dành cả buổi tối để than phiền về rắc rối trong công việc, xem những chương trình TV vô thưởng vô phạt, trẻ sẽ hình thành tâm lý tiêu cực trước khó khăn.

Hãy sống tích cực và cho trẻ thấy sự chăm chỉ, cần cù bạn dành cho gia đình, công việc và cả trong cách nuôi dạy trẻ.

Tú Anh (Theo Popsugar)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Social Media

Bài viết

Xem thêm
Khóa học khác: