Nói thì dễ nhưng thực sự không phải dễ khi con bước vào tuổi ương bướng và rất dễ nổi loạn. Vì thế cha mẹ cần có biện pháp và cách ứng xử đúng để khích lệ và đồng hành cùng con.
Cha mẹ cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con (trừ khi có hại). Hãy dùng cụm từ ‘ba mẹ nghĩ là’ thay vì ‘con phải’, ‘con không được’…
Trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ có những thay đổi về tâm, sinh lý kéo theo thay đổi về tính cách, sở thích, thói quen khiến nhiều phụ huynh cảm thấy khủng hoảng khi phải xử lý những lần con “nổi loạn”.
Mỗi em có biểu hiện khác nhau như: trẻ gái thích trang điểm, nhuộm tóc, sơn móng tay, ăn diện, thích nói chuyện với bạn khác giới; trẻ trai thích tụ tập bạn bè, chơi game, trốn học, bỏ tiết rủ nhau xem phim “đen”…
Cô Nguyễn Thị Thùy – giảng viên khoa tâm lý học ĐHQG Hà Nội – khuyên cha mẹ cần hiểu tâm lý và tìm hiểu để biết trẻ muốn gì, cần gì, có gặp khó khăn, trở ngại nào về học tập hay các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè không. Từ đó luôn đồng hành cùng con, sẵn sàng làm “quân sư” khi con cần.
Việc gắn kết với con phải được duy trì từ nhỏ, khiến trẻ thấy tin cậy và thích trò chuyện, tâm sự với cha mẹ.
Cha mẹ cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con (trừ khi có hại). Cha mẹ hãy thể hiện sự tôn trọng con bằng cách lắng nghe con bày tỏ quan điểm riêng rồi mới nói lên những suy nghĩ của mình.
Khi trẻ ở tuổi ương bướng nếu cần có thể nhờ cô giáo hoặc một người mà trẻ tin cậy tâm sự, trò chuyện cho trẻ hiểu. Hãy dùng cụm từ “ba nghĩ…”, “mẹ nghĩ…” thay vì “con phải…”, “con không được”…
Ngoài ra, mỗi ngày cha mẹ có thể cho trẻ khoảng thời gian 30 phút đến 1 giờ chơi game, giải trí sau những giờ học căng thẳng, khuyến khích trẻ chơi thể thao; thể hiện sự quan tâm nhưng không kiểm soát trẻ quá mức và nên chú ý đến các mối quan hệ bạn bè của con để kịp thời điều chỉnh nếu đó là mối quan hệ thiếu tích cực.