Site icon Học tại nhà không phải đi xa

Lợi ích từ việc Rèn con yêu đọc sách, ba mẹ đang rèn cho con ý chí tự chủ

Rèn con yêu đọc sách, ba mẹ đang rèn cho con ý chí tự chủ

ảnh minh họa

Trong xã hội quá áp lực hiện nay, không phải cha mẹ nào cũng biết rằng con yêu đọc sách có thể giúp trẻ em xây dựng khả năng tự chủ, không quá cảm thấy bị chao đảo trước sức hút của vật chất, có nhiều sức mạnh để vượt qua những cám dỗ.

Những chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương trong buổi tọa đàm “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”, nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của anh vào sáng 21-9 tại Hà Nội, gợi mở nhiều câu chuyện tưởng không bao giờ cũ về rèn luyện thói quen đọc sách trong từng gia đình.

Một trong những việc quan trọng nhất để cha mẹ gầy dựng được tình yêu đọc sách cho con – theo anh Vương, chính là cha mẹ phải tạo dựng được môi trường thuận lợi để dẫn con vào con đường ham mê sách, tạo môi trường cho tình yêu sách được dịp nảy nở.

Anh lấy ví dụ từ chính gia đình của mình. Khi anh học cấp II, quê anh mới có điện. Trong một môi trường như thế, việc đọc sách là gì đó quá xa xôi.

Nhưng cha anh ý thức rất rõ ích lợi của việc đọc sách với sự phát triển của con người nên nhà anh lúc đó đã có một “thư viện” với hàng ngàn đầu sách và chính cha là tấm gương về lòng ham mê đọc sách.

Anh khẳng định do đọc sớm nên anh chị em nhà anh dù không học thêm, không đến lò luyện thi vẫn vào đại học, đi du học và cảm thấy rất hạnh phúc với cuộc sống ấu thơ bên trang sách như thế.

Tình yêu sách được tiếp nối. Anh chăm lo cho việc đọc sách của con anh từ rất nhỏ. Đứa con lớn được “đọc sách” từ 3 tháng tuổi, đứa con thứ 2 được “đọc sách” từ khi còn trong bụng mẹ.

“Nếu được tạo dựng thói quen đọc sách từ nhỏ, trẻ sẽ coi trọng việc đọc sách như ăn uống hằng ngày, coi đọc sách là điều tốt đẹp và có thể đọc những cuốn sách rất khó từ khi còn nhỏ theo cách của trẻ con”, anh Quốc Vương nói.

Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em của Nhật Bản, điều 6 có ghi rõ: Cha mẹ hay người bảo hộ phải phát huy vai trò tích cực trong việc làm phong phú các cơ hội đọc sách và thói quen đọc sách của trẻ em.

‘Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm’ của Nguyễn Quốc Vương

Theo anh Vương, nếu trẻ ý thức đọc sách là tốt và hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ thì lớn lên dù bận rộn đến mấy cũng sẽ dành thời gian đọc sách.

Đọc sách phụ thuộc vào thói quen, vào quan niệm về giá trị. Giống như yêu một ai đó và trân trọng người đó thì dù bận mấy chúng ta cũng dành thời gian cho người đó. Thế nên để con yêu sách, cha mẹ phải cho con thấy được giá trị của đọc sách!

Từ kinh nghiệm của bản thân, tác giả Nguyễn Quốc Vương khẳng định tác dụng lớn nhất của đọc sách là cho ta khả năng tự chủ của bản thân, không quá cảm thấy bị chao đảo trước sức mạnh của vật chất, có nhiều sức mạnh vượt qua những cám dỗ trong đời thường.

Tuy thói quen đọc sách phải được xây dựng đầu tiên từ gia đình nhưng cùng với đó, nhà trường phải là nơi ươm mầm cho tình yêu đọc sách. Đáng tiếc là không phải nhà trường nào cũng chăm chút việc này, có khi còn ngược lại.

“Nền giáo dục của chúng ta hiện nay để phục vụ khoa cử, tập trung vào lượng thông tin thi cử. Vì vậy, họ chối bỏ đọc sách và cho nó là mất thời gian”, anh Vương nói.

Vì vậy, trong khi chờ nền giáo dục dần thay đổi, cha mẹ phải cứu con em mình trước.

Khẳng định trình độ đọc sách của người dân thể hiện trình độ, tầm vóc của một quốc gia, các diễn giả tại tọa đàm “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” đều chung lòng khuyến khích các cha mẹ rèn thói quen đọc sách cho con, đặc biệt là tác giả Nguyễn Quốc Vương – người đã miệt mài cho sứ mệnh khuyến đọc nhiều năm qua.

THIÊN ĐIỂU (tuoitre.vn)
Exit mobile version